Trước hết, điều tôi muốn đề cập trong bài viết này
không phải là câu trả lời cho cuộc tranh cãi đã trở nên đã quá quen
thuộc với chúng ta: Windows tốt hơn hay Mac tốt hơn? Đó là một câu hỏi
quá... to lớn và vĩ mô, tôi không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi
đó. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói về cảm nhận của tôi - một fan
đích thực của Bill Gates và Windows khi chuyển sang sử dụng Mac, chỉ là
trải nghiệm mà thôi, không gì khác cả.
Xin nói thêm một chút để các bạn rõ hơn về người viết,
một điều rất quan trọng với những bài cảm nhận mang tính cá nhân như
bài viết này. Tôi 21 tuổi, dùng Windows đã được 15 năm, phiên bản đầu
tiên sử dụng là Windows 3.1, từ đó đến trước đây khoảng 1 tuần, tôi hầu
như không sử dụng Mac hay các HĐH khác trừ trong việc học (tôi là SV
CNTT). Một ngày tôi dành ít nhất 10h trước máy tính vì cả việc học và
công việc. Vì sao tôi phải nói điều này? Đó là để tránh các bạn nghĩ bài
này được viết bởi một lão già khó tính, chậm thay đổi và thích nghi với
cái mới... Cũng phải nói thêm, trong bài viết này là những trải nghiệm
của một fan Windows, yêu thích Apple và iOS. Bạn có thể chia sẻ trải
nghiệm ban đầu của mình trên hệ Macintosh qua phần comment dưới bài
viết.
Máy Mac mà tôi sử dụng là Macbook Air, bản MC965, cấu hình cơ bản, màn hình 13.3", chip Core i5.
Ngày thứ nhất
Cài đặt
Việc cài đặt mới máy Mac tương đối đơn giản, tôi
chỉ cần ấn nút, điền một số thông số cơ bản như tên tuổi, múi giờ... Quá
trình cài đặt máy mới tương đối đơn giản nếu không muốn nói là cực kỳ
đơn giản, bạn hầu như không phải làm gì cả, Apple thiết kế mọi thứ gần
như tự động hoàn toàn, cũng không có việc hỏi key, setup mạng tương đối
lằng nhằng như khi cài lại Windows (nhất là không phải Windows 7). Bạn
chỉ cần khai báo những thông tin cá nhân đơn giản, chụp một hình của
chính mình (hay bất cứ gì bạn muốn) để làm icon đăng nhập.
Khởi động và ngày đầu tiên
Là một fan và sử dụng Windows cũng đã lâu, cài lại
Win cũng tương đối nhiều nên phản xạ đầu tiên của tôi là... đi tìm biểu
tượng My Computer quen thuộc. Tất nhiên, tôi không tìm thấy và cũng chưa
tìm ra cách nào để nó hiện ra cả. Tất cả icon của các chương trình,
được hiển thị ở dock bên dưới màn hình. Dock này khá quen thuộc với tôi
bởi thời mà Windows Vista vừa ra mắt, tôi đã lần mò rất nhiều chương
trình đổi giao diện Windows, phần đông trong số chúng có "tích hợp" dock
tương tự như ở trên Mac.
Trong lần khởi động đầu tiên, Mac OS hướng dẫn
người dùng những thao tác cơ bản như sử dụng chuột, các thao tác cảm ứng
đa điểm... Nói chung, phần hướng dẫn này khá chi tiết, hiệu quả và dễ
hiểu. Người dùng phải hoàn thành bài hướng dẫn này, và tất nhiên, sau
khi hoàn thành, họ đã sẵn sàng sử dụng Mac OS.
Nghe thì đơn giản nhưng ngày đầu tiên là thời gian mà
tôi thấy bực mình với HĐH này nhất. Một số khó khăn mà tôi gặp phải
trong lúc này là chưa biết sử dụng bộ gõ tiếng Việt, sử dụng các chương
trình giải nén, việc cài đặt chương trình cũng hết sức lạ lẫm và khó
khăn bởi tôi đã quá quen sử dụng HĐH Windows. Tất nhiên, do đặc điểm của
ngành học, nên tôi đã sử dụng qua một vài HĐH, trong đó có Unix nên tôi
có thể "mò" ra cách cài đặt khá nhanh chóng.
Xét cho cùng thì cách cài đặt phần mềm của Mac cũng
khá giống Windows với vài điểm khác biệt nho nhỏ, có thể, lúc đầu bạn sẽ
thấy đây là một điểm khó khăn, nhưng việc làm quen sẽ không mất quá
nhiều thời gian.
Ngày thứ hai Sau ngày đầu tiên tương đối thất bại trong việc khám
phá "vùng đất mới" tôi chuyển hướng chiến thuật. Tôi tìm đọc qua các
hướng dẫn sử dụng Mac tại các diễn đàn tập trung nhiều người sử dụng hệ
điều hành này với hi vọng tìm được những kinh nghiệm quý báu cho người
sử dụng nhưng tôi khá thất vọng bởi không tìm được những hướng dẫn cơ
bản nhất cho người dùng, có lẽ hiếm có người nào sử dụng Mac lại đi tìm
những hướng dẫn như vậy.
Rồi tất nhiên, quá trình sử dụng của tôi trong thời
gian này gặp khá nhiều khó khăn do các thao tác của Mac khác biệt với
Windows. Thế rồi, thay vì nỗ lực tìm kiếm khá "vô vọng" trên mạng, tôi
chọn một giải pháp nhanh hơn: lục lọi phần setting của máy. Rất may, đây
có lẽ là một quyết định sáng suốt bởi tôi tìm ra cách sử dụng và làm
quen với hệ điều hành mới một cách khá nhanh chóng. Các menu trong phần
setting của Mac được bố trí hết sức hợp lý, đơn giản, tiện dụng và nhiều
thông tin. Tại đây, tôi đã tìm ra chính xác cách tận dụng các chức năng
đa điểm của touchpad của Mac, cách sử dụng và ghi nhớ các phím tắt, các
thiết lập khác như mạng, màn hình, thời gian khóa máy... được bố trí
hết sức trực quan và dễ hiểu.
Tuy nhiên, dù gì thì dù tôi vẫn cảm thấy khá khó chịu
với hệ đièu hành mới bởi lẽ các thao tác của nó gần như ngược hoàn toàn
so với Windows. Tất nhiên các "quy" nút command có tác dụng tương tự
Ctrl, Option là Alt... cũng giúp tôi khá nhiều nhưng về căn bản, hệ
thống phím tắt và các thao tác của hai hệ điều hành vẫn cực kỳ khác
biệt, khó có thể cảm khiến mọi người dùng Windows lâu năm/ Xét cho cùng,
nếu nhận xét một cách công bằng, thì hệ thống phím tắt của Mac rất tiện
dụng, dễ dùng, dễ nhớ và nhiều chức năng. Điều duy nhất là một người
dùng Windows lâu năm khó chịu về hệ thống này đơn giản là ta đã quá quen
với việc sử dụng và bố trí phím tắt của Windows. Cũng phải nói thêm một
điều nhỏ rằng với cách quy tương đương như tôi đã trình bày ở trên, đa
số các thao tác cơ bản đều có thể thực hiện được.
Điều làm tôi tiếp tục khó chịu trong ngày thứ hai vẫn
là bộ gõ tiếng Việt, hoặc do tôi chưa rõ cách sử dụng, hoặc do Apple
không quan tâm lắm đến Việt Nam mà bộ gõ tiếng Việt của Mac hoạt động
khá... tồi: phức tạp, dễ lỗi (có thể là setting của tôi trong ngày hôm
nay không hợp lý)... Một điển quan trọng là trong thời đại tất cả đề
"tức thì", việc phải ấn Space hoặc Enter thì trình duyệt mới nhận chữ
gây ra một số khó khăn phức tạp và bất hợp lý. Tôi bắt đầu thấy nhớ
Windows với bộ Unikey nhỏ gọn nhưng tiện dụng.
Ngày thứ 3Ngày thứ ba tôi dành khá nhiều thời gian cho Mac. Nghe
nói, màn hình của Mac rất tốt (và tôi cũng cảm thấy vậy), tôi quyết
định thử xem video để cảm nhận điều này. Bộ phim tôi lựa chọn để "mở
hàng" là một tác phẩm khá cũ: Saving Private Ryan hay quen thuộc hơn qua
cái tên tiếng Việt, giải cứu binh nhì Ryan.
Và lại một sự vất vả nữa, Quick Time (chưa có codec)
không thể xem được video và tôi cố gắng tìm bộ codec (giống K-Lite Codec
cho Windows Media Player nhưng có vẻ như khá khó khăn. Tham khảo trên
mạng, lựa chọn cuối cùng của tôi là một trình xem phim khác, VLC Player.
Nói chung, nó khá dễ sử dụng nhưng cho đến lúc này tôi vẫn chưa tìm
được ra cách sử dụng VLC làm trình xem phim mặc định của Mac.
Một sự bất tiện tôi nhận ra trong ngày sử dụng thứ 3
là kho ứng dụng của Mac thua quá xa so với Windows và gây cho cá nhân
tôi nhiều bất tiện. Một phần của việc này nằm ở chỗ tôi đã quá quen với
danh sách các ứng dụng cực đa dạng và phong phú dành cho HĐH của
Microsoft. Kho ứng dụng của Mac nhỏ hơn rất nhiều, và có nhiều điểm khác
biệt. Tất nhiên, với các nhu cầu phổ thông như xem phim, web hay nghe
nhạc... Apple đáp ứng đầy đủ. Thậm chí, ngay cả thứ tôi "sợ" nhất là bộ
Office trên Mac cũng không đến nỗi quá tệ (tất nhiên, không thể bằng
trên Windows).
Và đến ngày thứ 3, cảm nhận của HĐH này với tôi đã tốt
hơn rất nhiều. Nó đáp ứng cực tốt các nhu cầu cơ bản đặc biệt là lướt
web. Trackpad đa điểm lớn, nhạy, các thao tác đa điểm hỗ trợ tuyệt vời.
Bạn chỉ cần sử dụng những thao tác vuốt, kéo thả, tất cả chỉ bằng một
tay và cực tiện lợi. Hệ thống phím tắt khi đã quen sẽ trở thành một trợ
thủ đắc lực cho tôi.
Kết Sau ba ngày đầu tiên làm quen với HĐH Mac, tôi có thể
nói đây là một HĐH khá dễ sử dụng, thân thiện với người dùng và mang lại
những trải nghiệm tuyệt vời. Những khó chịu ban đầu có lẽ phần nhiều là
do đã quá quen Windows. Tuy nhiên, sẽ thật khó nếu sử dụng Mac, đặc
biệt là Mac Air để làm việc trong một thế giới mà Windows đang chiếm tới
90% thị phần (có lẽ tại Việt Nam còn nhiều hơn) và vì vậy, cài Windows
cho Mac là một lựa chọn tốt, thực tế, tôi đang cảm thấy rất tuyệt vời
với sự kết hợp này.
Nguồn:
http://genk.vn/c188n2011102807341791/nhat-ky-3-ngay-dau-su-dung-mac-cua-tin-do-windows.chn