Trước thông tin Hiệp hội Thẻ vừa thống nhất đề xuất cho phép thu phí giao dịch ATM nội mạng, khá nhiều công chức làm việc tại cơ quan nhà nước đã “sáng kiến” để rút tiền mà không bị mất phí.
Theo đó, sau kỳ cơ quan trả lương vào tài khoản, mọi người sẽ tranh thủ đi muộn, về sớm để tạt vào ngân hàng, giao dịch tại quầy để rút hết tiền, nhằm tránh mất phí khi rút tại ATM. Tuy nhiên, sáng kiến này đối với đại bộ phận công nhân làm việc tại các nhà máy hay xí nghiệp lại không thể áp dụng được, bởi nếu họ “ăn cắp” thời gian sẽ bị nhẹ là kiểm điểm, nhắc nhở, nặng là trừ lương.
“Thật là tiến thoái lưỡng nan. Trong khi ngân hàng vốn cũng đã thu nhiều loại phí rồi, tại sao lại phải cố tình tận thu?”, chị Nguyễn Thị Liên, kế toán tại một nhà máy ở Bắc Ninh nói.
Trên thực tế, tại các ngân hàng khác nhau vẫn đang thu nhiều loại phí như: phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 - 90.000 đồng; phát hành lại thẻ 25.000 - 66.000 đồng; cấp lại số pin 10.000 - 33.000 đồng; thường niên từ 39.600 - 132.000 đồng; tra soát nếu không đúng từ 10.000 - 110.000 đồng; chuyển khoản trong nội mạng nhưng khác vùng 11.000 đồng; truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550 - 1.650 đồng; trả thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000 - 20.000 đồng; sử dụng dịch vụ SMS báo tiền vào, ra trong tài khoản gần 10.000 đồng/tháng…
Nhưng về phía ngân hàng cho biết, đầu tư cho hệ thống ATM ngốn chi phí rất lớn, bao gồm bảo trì, thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền, bảo vệ, địa điểm thuê đắt đỏ… Trong khi đó, số tiền duy trì trong tài khoản của khách hàng không đáng kể. Người dân thường khi có tiền vào tài khoản ngày hôm trước thì hôm sau rút ra luôn, nên khoản tiền duy trì tại ATM chỉ tương ứng với số tiền các ngân hàng phải nạp sẵn vào máy ATM, cũng như để dự trữ cho việc tiếp quỹ, mà ngân hàng không được hưởng lợi từ khoản tiền này.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trước khi bắt đầu triển khai ATM, một ngân hàng đã thuê đội tư vấn nước ngoài độc lập khảo sát thị trường Việt Nam xem có nên phát triển, mở rộng ATM. Kết thúc đợt khảo sát, đội tư vấn đã khuyên, sử dụng ATM chưa thích hợp tại thị trường Việt Nam và nếu đầu tư vào sẽ lỗ trong nhiều năm dài sau đó.
“Chúng ta đã thấy ATM vẫn được đưa vào sử dụng tại Việt Nam và việc ngân hàng nào cũng than lỗ là chuyện không có điều gì ngạc nhiên đối với tôi”, vị lãnh đạo trên nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cả hai bên đều cùng phải nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan. Đối với ngân hàng, không thể chỉ biết “kêu lỗ”, mà cần phải thể hiện đẳng cấp, thương hiệu, vị trí của ngân hàng mình trên thị trường bằng chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng… mới có thể tính đến việc thu phí dịch vụ của khách hàng một cách thuận tiện. Đối với người dân, cần phải hiểu “không có bữa trưa nào là miễn phí”. Việc tiền trong ATM, người dân cũng đã được hưởng lãi suất, bên cạnh đó, ngân hàng giữ tiền cho khách hàng cũng đồng nghĩa với việc khoản tiền này đã được bảo vệ an toàn. Do vậy, phí cho những dịch vụ tiếp theo là cần thiết.
“Quan trọng hơn cả, ngân hàng cần có sự hỗ trợ từ khách hàng thông qua việc thu phí mới ‘nuôi’ được các dịch vụ tốt, gia tăng những giá trị của ngân hàng đối với toàn xã hội”, TS. Hiếu nói.
Nguồn :
http://tintuconline.com.vn/vn/thitruong/517381/index.html