Tiêu đề: Vì game Việt, đừng nên tẩy chay Trung Quốc
Sau gần một thập kỷ phát triển, thị trường game nước nhà thực tế vẫn chưa thoát được khỏi giai đoạn chập chững. Đây là sự thật khá buồn nhưng chúng ta cần chấp nhận vì nhiều lý do khách quan như ý thức game thủ, cái tâm và cái tầm của các NPH, sự ác cảm từ phía xã hội... Vấn đề hiện tại là giai đoạn "thoát kén" sắp tới, game Việt sẽ học theo mô hình nào.
Ngành game Việt còn đang chập chững và chúng ta cần chọn mô hình để học tập theo.
Trước hết, cần phải biết rằng việc lựa chọn một mô hình có sẵn, đã đi trước và thành công là phương án phù hợp nhất đối với ngành MMO nội địa. Sức chúng ta chưa đủ để tự tìm thấy hướng đi riêng, trong khi đó hai quốc gia gần gặn là Hàn Quốc và Trung Quốc lại có thừa bài học quý. Có điều hai quốc gia này dường như đang đi theo 2 xu thế khác hẳn nhau, không dễ lựa chọn chút nào.
Nói tới đây, chắc hẳn không ít game thủ sẽ kết luận ngay rằng game Việt Nam nên học Hàn Quốc chứ không nên chạy theo Trung Quốc. Điều này một phần lớn tới từ việc chất lượng game tại xứ sở Gấu trúc trong mắt các tín đồ ảo lâu nay vẫn rất tiêu cực. Tuy nhiên sự thật không đơn giản như thế.
Hàn Quốc, mô hình lý tưởng
Với Hàn Quốc, trong mắt game thủ Việt đây vẫn luôn là "thiên đường" vì rất nhiều tựa game chất lượng được quốc gia này sản xuất nên, đơn cử như Lineage, Gunbound, TERA, Blade & Soul... Danh tiếng của thị trường MMO xứ Nhân sâm đã được cả thế giới công nhận và không cần tranh cãi về vấn đề này nữa.
Chạy theo tham vọng làm những "bom tấn" kiểu Hàn Quốc lúc này là sai sách.
Tuy nhiên, để tạo nên một guồng máy quá chuyên nghiệp như thế dường như nằm ngoài khả năng của thị trường nước nhà trong tương lai gần. Đơn giản vì xứ Hàn đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài hàng hai, ba chục năm, đó là chưa kể tới phong cách, lối sống và suy nghĩ của giới trẻ tại quốc gia này rất khác với Việt Nam.
Nếu học của Hàn Quốc, điều đầu tiên cần thiết là việc thành lập những câu lạc bộ game thủ, dần dần đi đến một tổ chức lớn nhằm bảo vệ game thủ và tạo sân chơi lành mạnh, tránh tệ nạn cũng như xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt xã hội. Đây có lẽ cũng là điều dễ thực hiện nhất trong giai đoạn hiện tại.
Hình mẫu CLB game thủ có thể thực hiện sớm tại Việt Nam.
Trong khi đó, nếu đầu tư cho các dự án lớn với đồ họa cũng như gameplay thuộc dạng hoàn hảo như Hàn Quốc thì gần như chắc chắn game Việt không thể thực hiện được. Các dự án như vậy sẽ tiêu tốn nguồn nhân lực, vật lực quá lớn, tính rủi ro cao trong khi trình độ, kinh nghiệm của các kỹ sư CNTT nội địa còn tương đối hạn chế.
Học gì từ Trung Quốc?
Trước hết, cần nói rõ một điều rằng những gì game thủ Việt đang suy nghĩ về thị trường game Trung Quốc còn tương đối hạn chế và mang tính chất một chiều. Chuyện này cũng không có gì khó hiểu vì hầu hết họ đều chỉ căn cứ vào những sản phẩm được mua về phát hành, còn lại hiếm ai từng tiếp xúc với ngành công nghiệp trò chơi xứ Gấu trúc để thấy hết được nó.
Chính chất lượng có phần thấp của các dự án MMO mua về nước khiến chúng ta tưởng rằng học theo Trung Quốc chẳng khác nào tự thụt lùi, nhưng không phải như vậy. Nên nhớ rằng những năm 2002-2004, làng game Trung Quốc còn bị Hàn Quốc thâu tóm phần lớn (y hệt như chúng ta lúc này bị game ngoại thâu tóm), vậy mà nay mọi thứ đều đảo chiều.
Game ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường vì khai thác thị hiếu tốt.
Điều phải học từ ngành game của quốc gia đông dân nhất thế giới là khả năng khai thác tối đa thị hiếu. Lấy một ví dụ đơn giản như Thuận Thiên Kiếm, vì sao nó hay bị chê bai và không được đón nhận? Câu trả lời là vì nó không đánh đúng vào sở thích của người chơi Việt Nam (đồ họa 2.5D còn xấu hơn cả 2D, gameplay cũ kỹ và dựa quá nhiều theo khuôn mẫu kiếm hiệp Trung Quốc).
Có một ví dụ đơn giản thế này, tại Trung Quốc, khi nghiên cứu thị hiếu của khách hàng chơi game, bộ phận đảm trách sẽ phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất như biểu cảm của khuôn mặt gamer ra sao khi họ đang đi đến khu vực nào đó, hoặc cử động của bàn tay, khu vực hay di chuột, phím nào hay sử dụng trên bàn phím khi thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt...
MMO nội cần đánh đúng thị hiếu khách hàng.
Trong khi đó, tại Việt Nam khâu nghiên cứu thị hiếu còn tương đối sơ sài, chủ yếu nhìn nhận theo xu hướng chơi game chung chung chứ không đi đến được phần cốt lõi. Nên nhớ, dù có tâm lý giống với gamer Trung Quốc là thích kiếm hiệp, thờ ơ với thần thoại phương Tây nhưng chắc chắn giới trẻ nước nhà vẫn có những khác biệt (dù là cực kỳ nhỏ). Chẳng thế mà nhiều MMO kiếm hiệp mua về vẫn thất bại thảm hại dù rất thành công tại xứ Gấu trúc.
Lúc này, đòi hỏi các NSX trong nước phải làm ra được những tựa game cạnh tranh được với game Trung hoặc Hàn là điều quá khó, chính vì vậy chúng ta cần đưa mũi nhọn tới thị hiếu, khai thác đúng thị hiếu thì tỷ lệ % thành công chắc chắn cao hơn. Trước đây chính Trung Quốc cũng nhờ điều này mà chiến thắng trên thị trường quốc nội.
Làng phát triển game Việt cần một cộng đồng chia sẻ kiến thức phổ cập hơn.
Điều thứ 2 cần học ở ngành game Trung Quốc là xây dựng được một cộng đồng hỗ trợ nhau tối đa. Phải biết rằng tại quốc gia này gần như mọi tài liệu chuyên môn đều có chuyển ngữ sang tiếng Trung nhờ sự đóng góp từ phía cộng đồng, việc tiếp cận dễ hơn rất nhiều chứ không phải vất vả học qua tiếng Anh như chúng ta. Nhiều người từng nhận định rằng người Việt khó làm việc nhóm, ít chia sẻ với nhau là rất chính xác.
Chính nhờ sự hỗ trợ lớn về mặt kiến thức từ cộng đồng, tiếp cận dễ nên số lượng studio sản xuất game tại Trung Quốc mọc lên như nấm mà không cần quy mô lớn. Thậm chí một game như Gunny (doanh thu cao nhất của VNG, hơn cả Kiếm Thế hiện tại) cũng chỉ được phát triển bởi nhóm gồm 5, 6 cá nhân trong một căn phòng 5, 6 mét vuông! Nói thể để thấy được tính phổ cập của ngành sản xuất trò chơi tại quốc gia này lớn đến thế nào.
Không nên tẩy chay mà cần chọn lọc cái hay để học.
Nói chung, vấn đề học theo Hàn hay Trung là vấn đề dễ gây ra tranh cãi, chúng ta không nên cực đoan tẩy chay một phía mà cần chọn lọc những tinh hoa phù hợp với tầm vóc của thị trường nội địa như trên đã đề cập. Hy vọng rằng quãng thời gian khó khăn hiện tại sớm qua đi để tất cả tập trung cho bước tiến lớn tương lai.