- Mức giảm 500 đồng/lít không nhằm nhò gì so với mức tăng 3.000 đồng cho 2 lần điều chỉnh tăng trước đó.
Giá xăng chính thức giảm 500 đồng/lít từ 22h tối 9/5 sau 2 lần điều chỉnh tăng lên tới 3.000 đồng. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, mức giảm giá này là quá nhỏ giọt, khiến họ có cảm giác rằng, lúc tăng thì tăng rất nhanh rất mạnh, nhưng lúc giảm thì lại rón rén, cầm chừng.
Trao đổi với VOV online vể mức giảm giá xăng lần này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Thực ra lần giảm giá này mang hiệu ứng tâm lý là chính, chứ còn tăng đến 3.000 mà giảm 500 thì về mặt kinh tế cũng không “ăn thua” gì. Thế nhưng, có hiệu ứng tâm lý là tốt. Và người tiêu dùng mong đợi ở cơ quan quản lý sự điều hành tăng, giảm linh hoạt như vậy”.
Ông Ánh cũng đưa ra dẫn chứng về những lần điều hành giá xăng dầu trước đây thường chần chừ không giảm giá xăng ngay với lý do là chờ điều chỉnh thuế nhập khẩu và để bù vào phần lỗ trước đó. “Các lý do này đưa ra không thuyết phục”, theo ông Ánh.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng: “Đây là một biểu hiện tích cực của điều hành giá xăng. Bởi vì tần suất điều chỉnh nhanh hơn, khoảng cách giữa các lần điều chỉnh gần hơn.
Còn mức điều chỉnh là bao nhiêu, thì Bộ Tài chính phải cân đối giữa giảm giá và thu ngân sách. Thực tế lần điều chỉnh này, Bộ Tài chính vẫn để thuế suất nhập khẩu xăng 2%. Chính vì có sự tăng thuế với xăng nên mức giảm chỉ 500 đồng/lít.
Trước khi giá bán lẻ xăng dầu được giảm kể từ 22h đêm 9/5 theo phân tích của giới chuyên môn, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi 1.200 đồng - 1.300 đồng/lít. Chính vì vậy, khi có thông tin xăng giảm 500 đồng/lít người tiêu dùng tỏ ra khá bất bình.
“Tất nhiên người tiêu dùng mong muốn có mức giảm cao hơn nhưng cơ quan quản lý cũng cần có sự cân đối. Nhưng phải khẳng định rằng, lần điều chỉnh này là một tín hiệu thuận lợi cho nền kinh tế” – TS Nguyễn Thị Hiền nói.
TS Nguyễn Thị Hiền cũng giải thích lý do người tiêu dùng chưa hài lòng với mức giảm giá lần này là vì liên quan đến lợi ích nên càng giảm nhiều càng tốt, nhưng trong điều hành kinh tế phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chứ không thể đứng về một phía nào.
Với mức giảm này, theo TS Hiền, hiện DN đang rất khó khăn, việc giảm giá xăng dầu ở mức rất nhỏ cũng là đáng mừng cho DN. Thêm vào đó là các chính sách khác như giảm lãi suất, giãn giảm thuế… là những tín hiệu mừng cho DN.
“Tất nhiên DN đang khó khăn thì họ muốn có những cú hích đáng kể nhưng kinh tế nước ta đang khó khăn toàn diện. Đây chưa phải là tín hiệu gì thực sự phấn khởi cho DN nhưng là một dấu hiệu họ chờ đón” – TS Hiền nói.
Cùng chung quan điểm về việc có giảm là tốt, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế-Xã hội Hà Nội), bình luận thêm rằng các cơ quan quản lý nên ưu tiên hơn đến quyền lợi người tiêu dùng. Giảm thu NSNN nhưng tăng niềm tin cho thị trường là điều cần làm hơn trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì vậy, theo ông Phong nên lựa chọn phương án ưu tiên giảm giá nhiều hơn cho người tiêu dùng. Bởi thực tế cho thấy, doanh nghiệp sản xuất đang khốn đốn với 1 số giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng trong khi đó đầu ra lại không tăng được do sức mua "đóng băng"./.
Nguồn :
http://vov.vn/Home/Giam-gia-xang-moi-chi-la-lieu-phap-tam-ly/20125/208893.vov