Cách đây khoảng 3 tuần, tôi nhận được một kiện hàng cực kì to lớn,
đứng sừng sững trước cửa nhà. Mặc dù đã đọc trước thông số về sản phẩm
này trên trang chủ của hãng nhưng đến khi “nhìn tận mắt, nâng tận tay”
tôi vẫn còn cảm thấy hơi choáng về số đo và cân nặng của nó. Đó chính là
Cosmos II – thùng máy mới nhất, khủng nhất của Cooler Master hướng đến
đối tượng game thủ.
Thông số kỹ thuậtNếu như các thùng máy Full tower như Cooler Master Storm Trooper
hay Antec 1200 đã đủ khiến bạn phải ấn tượng bởi kích thước to lớn thì
so với Cosmos II, chúng vẫn còn thấp bé nhẹ cân chán. Thùng máy này tạo
ra cho mình một chuẩn mới khủng khiếp hơn: Ultra tower. Tôi và người vận
chuyển đã phải rất vất vả mới bê được thùng hàng lên đến tầng 3 (bởi
cầu thang hơi hẹp).
- Kích thước: 704mm (cao) x 344mm (rộng) x 664mm (sâu), chuẩn Ultra tower. - Khối lượng: 22 kg. - Bo mạch chủ hỗ trợ: Micro ATX, ATX, E-ATX, XL-ATX, SSI CEB, SSI EEB. - Số khay ổ đĩa: + 3 khay ổ đĩa 5,25 inch. + 13 khay ổ đĩa 3,25 inch: 5 khay ở khoang trên, 6 khay ở khoang dưới và 2 khay cắm nóng. - Cổng kết nối ở mặt trước: 4x USB 2.0; 2x USB 3.0; 1x eSATA; Audio In + Out. - Hệ thống quạt: + Mặt trước: 1x 200 mm theo case (LED xanh, 700 vòng/phút, độ ồn 19 dBA). + Mặt sau: 1x 140 mm theo case (1200 vòng/phút, độ ồn 19 dBA). + Mặt nóc: 1x 120 mm theo case (1200 vòng/phút, độ ồn 17 dBA). Hỗ trợ 1x 200 mm hoặc 2x 140 mm hoặc 3x 120 mm. + Mặt hông phải: hỗ trợ 2x 120 mm. + Khoang HDD dưới: 2x 120 mm theo case (1200 vòng/phút, độ ồn 17 dBA). - Có điều tốc hỗ trợ 9 quạt (bằng số quạt có thể gắn) thông qua bảng điều khiển ở khu vực Reset + Power. - Hỗ trợ tản nhiệt CPU chiều cao 190 mm.
- Hỗ trợ VGA chiều dài 385 mm. |
Hình ảnh & đánh giá: Vỏ hộpNhư thường lệ, chúng ta bắt đầu với phần đóng gói.
Ngoài kích thước to lớn ra, vỏ hộp không gây nhiều ấn tượng với tôi. Ở
mặt trước là hình ảnh của Cosmos II. Mặt sau và mặt hông đi sâu vào chi
tiết và thông số kỹ thuật.
Thùng máy được đóng gói cẩn thận, bọc trong ni-lông và
thêm một lớp xốp chống va đập nữa. Phải rất vất vả tôi mới có thể lôi
Cosmos II ra khỏi vỏ mà không làm vỡ xốp hay rách vỏ hộp.
Hình ảnh & đánh giá: Hình thức bên ngoài
0
0
Ấn tượng đầu tiên về Cosmos II có thể gói
gọn trong 4 chữ: cao, to, đen, nặng. Sản phẩm khoác một màu đen lầm lì
từ đầu đến chân. Chi tiết đập vào mắt nhất chính là 2 chiếc “tai” vòng
ra ở phía trên. Ngoài tác dụng trang trí, 2 “tai” này chủ yếu phục vụ
cầm nắm để di chuyển vì Cosmos II nặng tới 22kg (thêm phần cứng bên
trong chắc phải lên tới gần 30kg!)
Chắc chắn và mạnh mẽ, Cosmos II mang một chất gì đó rất “classic”
chứ không màu mè hầm hố (và nhanh chán) như nhiều thùng máy hiện nay.
Tôi đặc biệt kết phần mặt nạ, rất đơn giản mà không bị đơn điệu. Thùng
máy sở hữu kích thước khá đồ sộ, thuộc chuẩn Ultra tower với số đo 704
mm (cao) x 344 mm (rộng) x 664 mm (sâu).
Chỉ có 2 mặt hông, mặt sau và phần lưới ở mặt trước được làm bằng
nhôm. Toàn bộ các phần còn lại gồm nóc, đáy, mặt nạ phía trước đều làm
từ chất liệu plastic.
Cả 2 bên hông case đều được khoét các khe để thông không khí. Các
khe này đều được trang bị lưới lọc bụi, có thể tháo ra vệ sinh dễ dàng.
Bên mặt hông phải có thể gắn thêm 2 quạt 120 mm, còn hông trái thì
không. Chúng ta sẽ rõ hơn ý đồ thiết kế của 2 lưới này khi xem xét nội
thất bên trong thùng máy.
Mặt nạ phía trước có khả năng di chuyển lên xuống như một cửa
trượt, để lộ phía sau 3 khay ổ đĩa 5,25 inch và 2 khay cắm nóng HDD. 2
khay này được trang bị cả khóa an toàn chống mất cắp nữa!
Số lượng cổng kết nối ngoài là một điểm khiến tôi rất vừa ý: 4 cổng
USB 2.0, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng eSATA, 1 cổng audio in và 1 audio out.
Không gian dành cho chúng cũng rất rộng rãi, khoảng cách giữa các cổng
hợp lý, dễ cắm.
Nút Power + Reset cùng bảng điều khiển quạt nằm dưới tấm mặt nạ
trượt. Bảng điều khiển này có thể quản lý tới 9 quạt (bằng số quạt mà
Cosmos II hỗ trợ), chia làm 3 loại: Front (1 quạt đi kèm), Top (1 quạt
đi kèm, hỗ trợ tối đa 3 quạt), HDD (2 quạt đi kèm), VGA (quạt bên hông
phải, hỗ trợ tối đa 2 quạt), quạt ở mặt sau không có điều tốc. Ngoài ra
còn 1 nút LED có chức năng bật/tắt đồng loạt 9 đèn LED (trường hợp người
dùng sử dụng 9 quạt LED cho case).
Hình ảnh & đánh giá: Thiết kế bên trongLẽ dĩ nhiên, Cosmos II sử dụng thiết kế modular, dễ dàng tháo lắp ổ
cứng và khe chắn PCI mà không cần động đến tua-vít. Nội thất cực kì
rộng rãi đem lại khả năng hỗ trợ phần cứng hoàn hảo: tản nhiệt CPU cao
tới 190 mm và VGA dài 385 mm – thừa thãi đáp ứng mọi tản nhiệt CPU và
VGA hiện tại.
Nóc thùng máy có thể gắn 1 quạt 200 mm hoặc 2 quạt 140 mm hoặc 3
quạt 120 mm. Cosmos II chỉ trang bị sẵn cho người dùng 1 quạt 120 mm. Có
lẽ do nhầm lẫn nên quạt này đang lắp thổi vào (theo nguyên tắc đối lưu
là trên phải hút ra). Tôi sẽ chỉnh lại khi kiểm nghiệm nhiệt độ.
Khoảng cách tôi đo được từ khung bắt vít quạt cho đến đỉnh bo mạch
chủ là khoảng 40 mm. Như vậy người dùng chỉ có thể lắp radiator dày tối
đa 40 mm với quạt pull. Đây có thể coi là một điểm trừ đối với thùng máy
cao cấp như Cosmos II (chiều dày radiator ảnh hưởng đến hiệu năng tản
nhiệt nước).
Không gian bên khoang đi dây rất rộng. Các lỗ đi dây kích thước khá
lớn khiến thao tác đi dây cực kì dễ dàng. Đặc biệt các miếng cao su đệm
được cố định bằng 6 chốt, loại bỏ hoàn toàn tình trạng tuột như nhiều
thùng máy mắc phải.
Một góc nhìn khác của sản phẩm:
Số lượng dây nhợ đi kèm rất nhiều và rối rắm. Các dây này bao gồm:
điều tốc quạt, tắt/bật LED, dây giao tiếp với cổng kết nối ngoài, dây
nối Power + Reset, dây nối eSATA…
Nguồn được thiết kế đặt dưới. Không gian dành cho bộ nguồn thoáng, thoải mái lắp các PSU dài.
Cosmos II có 2 khoang HDD: khoang trên có thể lắp được 5 HDD, và 1
khoang dưới đặt cạnh PSU lắp được 6 HDD. Khoang dưới này được trang bị 2
quạt làm mát 120 mm tốc độ 1200 vòng/phút, lưu thông khí thông qua các
khe ở 2 bên hông case.
Các khay ổ cứng thiết kế toolless, tháo lắp không cần tua-vít.
2 dock cắm nóng HDD được nối sẵn cáp SATA ở phía trong, cấp điện bằng đầu molex 4 pin.
Chốt bấm của khoang 5,25 inch. Phụ kiện đi kèm Cosmos II không có gì đáng nói, gồm: 1 dây nối dài 8
pin cho CPU, vài dây nối dài fan, 2 cặp chìa khóa cho dock cắm nóng
HDD, túi ốc vít và vài dây buộc.
Thực tế sử dụng & kiểm nghiệm nhiệt độ - Kết luận Thực tế sử dụngĐầu tiên tôi bắt tay vào lắp đặt linh kiện và đi dây. Nhờ nội thất
rộng rãi, thao tác lắp linh kiện diễn ra hết sức dễ dàng và nhanh chóng.
Việc đi dây cũng rất nhàn nhờ lô đi dây rộng và khoang giấu dây lớn.
Duy có một điểm khó chịu là Cosmos II có quá nhiều dây rợ rối rắm: dây
điều tốc, dây LED, dây SATA, dây tín hiệu... khiến tôi mất hơi nhiều
thời gian ngồi tìm kiếm, phân loại các dây cần sử dụng. Thành quả sau 20
phút hì hục:
Cả một mớ dây không dùng đến! Có thể thay tản nhiệt CPU dễ dàng, không cần tháo main. Lên đèn:
Khi hoạt động Cosmos II không được màu mè lắm. Chỉ có 1 quạt LED xanh ở phía trước và bảng điều khiển là phát sáng.
Có 3 mức tốc độ: cao nhất (xanh), trung bình (tím) và thấp nhất (đỏ).
Bí hiểm trong màn đêm. Khay cắm nóng HDD tỏ ra rất tiện lợi, hữu dụng cho nhu cầu chuyển dữ liệu lớn (game, film HD).
Trong quá trình sử dụng, tôi nhận thấy các quạt đi kèm Cosmos II
hoạt động rất êm ái, dù căng tai ra cũng không nghe thấy tiếng động nhỏ
nào. Tuy nhiên khả năng cách lại chưa thực sự tốt. Khi VGA và CPU hoạt
động full-load tiếng quạt vẫn lọt ra ngoài. Được cái là thùng máy rất
chắc chắn, khử rung tuyệt đối nên tiếng ồn vẫn chấp nhận được (nếu rung
sẽ có tiếng ù ù rất khó chịu).
Kiểm nghiệm nhiệt độTrong phần này tôi sẽ so sánh nhiệt độ của GPU, CPU và HDD giữa
Cosmos II và benchtable. Nhiệt độ CPU sẽ được lấy bằng kết quả trung
bình của cả 4 nhân. Nhiệt độ HDD được lấy theo nhiệt độ của ổ WD Black.
Nhiệt độ môi trường lúc này là 30 độ C.
Cấu hình thử nghiệm Bo mạch chủ: AsRock Z77 Extreme4
Bộ xử lý: Intel Core i5-2500K
Tản nhiệt: Cooler Master V6GT
Bộ nhớ trong: 2x 4GB Kingston HyperX T1 1866 9-11-9
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC
Ổ cứng: Kingston HyperX 240GB + WD Caviar Black 500GB + Hitachi 1TB
Nguồn: Cooler Master Silent Pro Hybrid 1050W |
Kết quả nhiệt độ không được tốt lắm. Nhiệt độ
full-load GPU và CPU đặt trong Cosmos II cao hơn benchtable từ 3 đến 4
độ. Nhiệt độ HDD thì còn tệ hơn nữa. Đối với khoang trên, có lẽ tốc độ
quạt 200 mm ở mặt trước chỉ là 700 vòng/phút khiến áp lực khí thấp,
không đủ làm mát. Điều khó hiểu là nhiệt độ khoang dưới thậm chí còn
nóng hơn dù dùng quạt 120 mm 1200 vòng/phút.
Kết luận Thuộc chuẩn Ultra tower, Cooler Master Cosmos II ra
đời nhắm tới phân khúc trên cả cao cấp. Đó là những người sở hữu bo mạch
chủ XL-ATX, 2 đến 4 VGA, tản nhiệt nước khủng. Bởi vậy sản phẩm đáp ứng
mọi nhu cầu người dùng có thể đặt ra cho một chiếc thùng máy.
Có thể quan điểm thẩm mĩ mỗi người mỗi khác, song theo
cảm nhận của tôi Cosmos II hoàn mĩ về mặt hình thức. Thùng máy mang đậm
chất “classic”, vừa đủ đường cong, không quá nhiều chi tiết cách điệu,
không lòe loẹt, chỉ có LED ở mặt trước và bảng điều khiển. Các chi tiết
bên trong cũng hoàn hảo: tháo lắp linh kiện dễ dàng, đi dây thoải mái,
tha hồ lắp mọi loại phần cứng…
Tuy thế, giá cho siêu phẩm này cũng thuộc hàng “siêu
phẩm”: 7.850.000 VNĐ nếu bạn muốn làm chủ nhân của Cosmos II. Con số này
đủ làm chùn bước đa số game thủ nhưng đối với một dân chơi phần cứng
thực thụ thì nó xứng đáng với những gì mà Cosmos II mang lại.
Ưu:- Hình thức chuẩn, tông đen lầm lì.
- Thiết kế cửa hông độc đáo.
- Kết cấu chắc chắn, vững chãi.
- Bảng điều khiển đẹp, điều tốc hỗ trợ tới 9 quạt.
- Số cổng kết nối ngoài hợp lý.
- Các quạt đi kèm hoạt động êm ái.
- 2 khay cắm nóng HDD.
- Gắn được tới 13 HDD.
- Có lọc bụi ở tất cả vị trí cần thiết.
- Khoang giấu dây cực rộng, lỗ đi dây lớn.
- Hỗ trợ phần cứng hoàn hảo: 4 VGA, bo mạch chủ XL-ATX, tản nhiệt CPU cao 190 mm, VGA dài 385 mm…
Nhược:- Quá nặng: 22kg!
- Vỏ ngoài hơi nhiều plastic.
- Quá nhiều dây nhợ rối rắm.
- Chỉ gắn được radiator dày không quá 40 mm.
- Cách âm chưa tốt.
- 2 quạt HDD khay dưới kém hiệu quả.
- Lưu thông khí với các quạt có sẵn chưa tốt.[/center]