Năm 2012 mới chỉ trôi qua những ngày đầu, thế nhưng "cơn ác mộng" webgame đã lại tiếp tục ám ảnh giới trẻ Việt Nam. Chỉ cần kể sơ sơ cũng đã có tới 4, 5 webgame gốc Trung Quốc sắp phát hành, đơn cử như Lục Mạch Thần Kiếm, Hùng Bá Thiên Hạ, Thần Giới, Kungfu Bóng Đá... Vẫn biết game trên trình duyệt không có gì là xấu, nhưng với gamer đã quá bội thực thể loại này thì chẳng dễ chịu gì.
Đã có không dưới 5 đầu webgame tới từ đúng một NPH Trung Quốc về Việt Nam.
Gamer ngán ngẩm
"Ngán ngẩm mỗi lần thấy có game mới về Việt Nam", đó là phản ánh của đa phần game thủ khi càng ngày webgame về nước càng nhiều. Thậm chí họ còn chẳng buồn theo dõi tin tức hoặc tỏ ra sốt sắng mỗi lần NPH nội địa chuẩn bị ra mắt dự án mới, dễ dàng thấy được các bài viết theo kiểu "lại game Trung Quốc à", "mua về làm gì lắm thế"... trên diễn đàn.
Mọi chuyện gần như lên đến đỉnh điểm khi hàng loạt các webgame nhập vai từ duy nhất một NPH tại Trung Quốc là cổng 4399 được mua về Việt Nam. Từ Nhất Kiếm, Tiên Kiếm, Võ Lâm Chi Mộng tới Hùng Bá Thiên Hạ, Lục Mạch Thần Kiếm, và chúng chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Điểm cốt yếu là các tựa game này cứ na ná nhau, khác chăng chỉ là ở phong cách đồ họa hoặc vài tính năng nhỏ lẻ.
MMO client bặt vô âm tín hoặc cố tình trễ hẹn sang sau Tết.
Trong khi đó các dự án MMO cài đặt chính thống thì bị lùi ngày ra mắt xa dần, điển hình như việc World of Tanks của VTC Game phải đợi tới sau Tết Nguyên Đán, Tam Giới, Giáng Long Chi Kiếm hay Tinh Thần Biến cũng thế. Nói cách khác, vết xe đổ của năm 2011 đang hiển hiện rõ ràng trước mắt cộng đồng giới trẻ nội địa.
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, ngay sau Tết, sẽ còn ít nhất 2, 3 đầu webgame mới nữa cập bến và chúng đều tới từ một số NPH non trẻ tại Việt Nam. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn trung thành với thể loại này, "muốn có game client thì phải đợi tới Hè", đó là tâm sự từ nhiều đại diện NPH trong nước.
Vẫn kiếm tiền tốt
Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt hãng game chọn webgame để phát hành, dù họ biết rằng xu hướng này bắt đầu bão hòa. Bên cạnh lý do tới từ việc ít rủi ro hơn, ít tốn kém hơn thì còn tới từ chính tâm lý người chơi. Có một sự thật là số lượng gamer ca thán rằng họ chán webgame chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số hàng vài triệu người chơi nội địa.
Webgame dù bão hòa vẫn dễ kiếm tiền và có lời.
Thông thường các webgame gốc Trung Quốc được mua về Việt Nam có giá dao động trong khoảng ít hơn 20.000 USD, ít hơn nhiều so với game client chất lượng cao. Vì thế chỉ cần một game đông người chơi là NPH đã đủ để bù lỗ cho 2, 3 dự án khác, đơn cử như năm vừa rồi là Tam Quốc Truyền Kỳ hoặc Ngạo Kiếm...
Gamer Việt trong thời đại này thường sẵn tính có mới nới cũ, họ cứ gắn bó bới một webgame khoảng vài tuần cho tới vài tháng rồi lại "nhảy" sang trò chơi khác. Tuy nhiên mỗi lần như thế chắc chắn lại tốn không ít tiền của để đua top (ngay tới các server lậu thì số lượng người ném tiền vào nâng cấp trang bị cũng không nhỏ), vì thế vô hình chung khiến các NPH vừa lòng với doanh thu của họ. Và họ sẵn sàng mở thêm game mới với gameplay... y hệt như cũ để tạo cảm giác mới lạ mà thôi.
Đến bao giờ?
Câu hỏi được đặt ra là liệu đến bao giờ làn sóng MMO client mới quay trở lại như xưa, nhiều tin đồn cho rằng phải tới Hè 2012 vì hết quý 1 năm nay quy chế quản lý game online ra đời. Thế nhưng thực tế chúng ta đã nghe thấy rất nhiều lần đồn đại như thế trong năm 2011 mà rồi mọi chuyện vẫn chẳng tới đâu.
Đến bao giờ...?
Hiện nay, số lượng MMO được mua về rồi nằm "đắp chiếu" chờ thời đã có không dưới 7, 8 cái tên, trong đó có cả game 2D lẫn 3D. Chính vì thế nếu chúng không được tung ra sớm thì chắc chắn sẽ trở nên lỗi thời so với nước ngoài khi mà còn chưa kịp tới tay game thủ Việt. Có lẽ chẳng ai muốn chơi một game bản Việt mà phiên bản tiếng Anh đã ra từ cách đó cả năm.
Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu hết quý 1 này game online có được cấp phép hay không, nếu chưa, chắc chắn cơn ác mộng webgame sẽ còn kéo dài thêm nữa.
Nguồn:http://game.genk.vn/c8n20120104110533430/nguoc-doi-khi-ghet-game-moi-ve-viet-nam.chn