Hiện tại Apple có lẽ là công ty công nghệ thành công nhất thế giới với giá trị đã có lúc chạm ngưỡng 400 tỉ USD. Tất cả các sản phẩm của Apple như iPod, iPad, iPhone, Macbook Air đều nắm giữ thị phần rất lớn so với các đối thủ cạnh tranh và đem về lợi nhuận khổng lồ. Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao Apple lại thành công đến vậy? Tại sao cho đến giờ mặc dù có rất nhiều công ty muốn đi theo mô hình kinh doanh của Apple (hợp nhất phần cứng phần mềm, định vị thương hiệu cao cấp...) nhưng chưa 1 công ty nào đạt được sự thành công giống như Táo Khuyết. Vậy Apple có "vũ khí bí mật" nào để tạo nên sự khác biệt ấy?
Cũng giống như mọi vấn đề khác trong kinh doanh, thành công của Apple đến từ sự kết hợp của vô vàn yếu tố, từ quản lý đến nhân sự, công nghệ và thậm chí là cả đôi chút thời vận.Trong bài viết này tôi không có tham vọng đề cập đến tất cả những điều xây dựng nên sự thành công của Apple mà chỉ đơn giản muốn mổ xẻ tới 1 vài khía cạnh ít được đề cập trong cách vận hành của Táo Khuyết. Phần còn lại xin nhờ sự đóng góp của bạn đọc thông qua mục bình luận phía dưới bài viết này.
Muốn làm người mở đường thì phải đi trước
Một trong những lý do dẫn tới sự thành công của các iDevices là vì chúng ra đời rất sớm, thậm chí vào thời điểm mà thị trường còn chưa 1 ai nghĩ tới sẽ tồn tại 1 lớp thiết bị như thế. iPad là 1 ví dụ như thế. Trước khi Steve Jobs giới thiệu iPad năm 2010, chẳng ai trong chúng ta hình dung được máy tính bảng lại giống như vậy. Bản thân tôi vẫn mong chờ 1 MTB của Apple chạy MacOS X. Tuy nhiên khi người ta phát hiện ra duyệt web trên iPad rất tuyệt, chơi game cũng rất sướng và xem phim, đọc tài liệu trên iPad cũng vô cùng thoải mái thì chiếc MTB của Apple lập tức trở thành xu hướng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Macbook Air, iPhone..
Về cơ bản thì ý tưởng kinh doanh của Apple khá dễ hiểu: Để thống trị 1 dòng sản phẩm thì cách đơn giản nhất là trở thành người đầu tiên tạo ra nó. Vậy Apple đã làm thế nào để có thể sáng tạo ra những sản phẩm chưa từng có trước đó mà lại vẫn chắc chắn được rằng nó sẽ chiếm được cảm tình của người sử dụng khi tung ra thị trường?
Có một quan niệm như thế này trong công việc kinh doanh mà có lẽ bạn đọc nào học kinh tế đều sẽ biết: "Nếu muốn tạo ra sản phẩm tốt thì hãy lắng nghe ý kiến khách hàng". Rất nhiều công ty đi theo trường phái này. Và biểu hiện rõ rệt nhất của trường phái tư duy kinh doanh này là việc điều tra thị trường. Chắc hẳn các bạn đã ít nhất 1 lần được phát phiếu điều tra thị trường, mục đích của việc điều tra thị trường là nhằm nắm được thị hiếu, nhu cầu của khách hàng nhằm cải thiện sản phẩm theo hướng phù hợp với mong muốn của khách hàng. Ngay cả ở GenK chúng tôi cũng thực hiện việc điều tra thị trường ít nhất vài lần thông qua dạng các bình chọn trên fanpage Facebook.
Về cơ bản việc điều tra thị trường giúp 1 doanh nghiệp nắm được nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng nhằm có chiến lược "nhảy" vào vùng thu nhiều lợi nhuận nhất. Và nhìn chung đó cũng là 1 tư duy hợp lý vì nói cho cùng sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu của khách hàng thì mới có thể bán được. HTC, Samsung, Nokia... tất cả đều đi theo hướng tư duy này. Chẳng hạn nếu thông qua điều tra thị trường HTC thấy rằng khách hàng muốn màn hình lớn hơn 4,3 inch thì ngay lập tức hãng sẽ cho ra mắt các model smartphone với màn hình 4,7 inch hoặc lớn hơn nữa...
Tuy nhiên Apple lại đi theo 1 triết lý khác. Steve Jobs, trong 1 buổi phỏng vấn đã tuyên bố thẳng thừng "Apple không hề nghiên cứu thị trường". Về cơ bản thì các sản phẩm của Apple đều ra đời từ ý tưởng độc lập của Steve Jobs và các cộng sự của ông. Việc không dựa vào ý kiến của khách hàng để phát triển sản phẩm khiến Apple không bị bó buộc trong cách tư duy hạn hẹp của người tiêu dùng. Trong khi các hãng khác tin rằng người tiêu dùng biết bản thân họ muốn gì, cần gì thì Apple lại tin rằng người tiêu dùng không biết cái gì là hay, là dở và công việc quyết định những gì nên và không nên đưa vào sản phẩm cần phải được dồn lên vai những nhà thiết kế. Cách làm này tỏ ra đặc biệt hiệu quả vì sự thực là người sử dụng không thể biết được mình sẽ phải mong chờ gì ở 1 sản phẩm mà thậm chí trước đó họ còn chưa có chút khái niệm nào. Khi iPad ra đời rất nhiều người chế giễu nó là chiếc iPod Touch phóng lớn hoặc iPhone, Macbook Air đều nhận được những chỉ trích về việc thiếu tính năng. Nhưng thành công của iPad, iPhone, Macbook Air là không cần bàn cãi và nó là 1 minh chứng rất hùng hồn rằng nhiều người không biết mình muốn gì, cần gì ở 1 sản phẩm mới.
Việc điều tra thị trường, đẽo gọt sản phẩm theo ý kiến khách hàng rất hiệu quả trong việc cải tạo 1 dòng sản phẩm sẵn có. Nhưng nếu cần tạo ra 1 dòng sản phẩm mới hoàn toàn thì người ta sẽ phải học hỏi cách làm của Apple. Có thể tưởng tượng đơn giản HTC, Samsung đang hỏi khách hàng "bạn muốn chiếc smartphone sắp tới trông như thế nào?" trong khi Apple âm thầm sản xuất sản phẩm của mình rồi bình thản nói "Tôi vừa mới làm ra 1 iDevice mới, bạn có muốn mua nó không?". Một khi Apple đã đi trước, các hãng còn lại bị đặt vào vị trí bám đuổi và không bao giờ có thể xếp ngang hàng với Táo Khuyết về mặt sáng tạo.
Cũng giống như các sản phẩm nghệ thuật, những thiết bị của Apple ra đời và mang hoàn toàn dấu ấn cá nhân của những người thiết kế ra nó thay vì là sự tập hợp ý kiến của cộng đồng khách hàng. iPhone, iPod, iPad ra đời chỉ đơn thuần là vì Steve Job, Jony Ive... nghĩ rằng chúng là những sản phẩm tốt và sẽ bán được.
Tất nhiên việc không điều tra thị trường sẽ tồn tại rất nhiều rủi ro vì không thể chắc chắn rằng sản phẩm đó sẽ thành công, và với mô hình kinh doanh tập trung vào 1 vài sản phẩm như Apple thì việc 1 sản phẩm thất bại sẽ là cú đánh rất mạnh vào cả công ty. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy thời gian gần đây cho thấy tất cả các iDevice của Apple đều thành công. Và để có được thành tích "trăm trận trăm thắng" ấy, Apple cần 1 yếu tố khác.
Nhân tài là rường cột
Có nhiều người hiểu lầm một cách rất tai hại rằng Apple = Steve Jobs. Sự thực thì Steve Jobs rất quan trọng với Apple, nhưng bên cạnh ông còn có Tim Cook, Phil Schiller, Jony Ive... và rất nhiều người nữa nắm giữ những vị trí chủ chốt bên trong Apple. Thậm chí trong sách về Steve Jobs gần đây của Issacson, Jony Ive còn hé lộ rằng hầu hết các ý tưởng về sản phẩm của Apple không phải là từ Steve Jobs mà ra. Chúng ta thường cứ muốn xây dựng 1 hình tượng Steve Jobs thật đẹp, thật tài ba, thật vĩ đại nhưng tôi cho rằng Steve Jobs chỉ đơn giản là 1 doanh nhân rất biết cách dùng người và có tư duy kinh doanh độc đáo. Hãy chấp nhận rằng có thể Steve Jobs không giống như bạn nghĩ, không phải là 1 nghệ nhân "tạc" ra iPhone, iPad hoặc không phải là thầy phù thủy đứng sau mọi chiến lược kinh doanh của Apple. Steve Jobs là người điều hành chung, là người nhìn thấy trước nhu cầu ở những chỗ mà chưa ai thấy và biết trọng dụng những tài năng mà không ai khác trọng dụng.
Bản thân Steve Jobs cũng nhiều lần nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng lý do các sản phẩm của Apple luôn sở hữu 1 thiết kế đẹp và hữu dụng như vậy là vì đội ngũ thiết kế của Táo Khuyết hầu hết đều không phải là dân kỹ thuật mà có xuất thân từ các ngành nghệ thuật, lịch sử, sinh vật học... Chính những nhân sự như thế đã khiến sản phẩm của Apple trở nên khác biệt và gần gũi với con người.
Có thể nói nếu Apple có 1 thứ vũ khí bí mật nào giúp hãng có được những thành tựu như ngày hôm nay thì đó chính là những người làm việc thầm lặng dưới cái bóng của Steve Jobs.
Khao khát hoàn hảo
Về mặt tính cách, Steve Jobs gây rất nhiều ấn tượng xấu với những người lần đầu gặp mặt. Sự đòi hỏi 1 cách khắt khe đối với những người làm việc dưới quyền cộng với tính tình nóng nẩy thất thường của Steve khiến có những nhân viên cảm thấy việc đi chung thang máy với Steve Jobs qua mấy tầng lầu thực sự là 1 trận tra tấn tinh thần. Steve Jobs không ngại xỉ vả nhân viên dưới quyền cũng như đuổi việc thẳng cánh bất kỳ ai làm cho ông cảm thấy không hài lòng. Sự chi ly đến từng chi tiết của Steve Jobs như việc tự mình chọn đá lát sàn từ tận 1 mỏ đá ở ngoại ô thành Rome nước Ý cho Apple Store dường như đã trở thành 1 nét văn hóa của Apple.
Và hệ quả trực tiếp của tính khắt khe ấy sự hoàn hảo đến từng chi tiết trong sản phẩm của Táo Khuyết. Nói ngay như ở iPhone 4S. Mặc dù có rất ít thay đổi so với iPhone 4, nhưng những tính năng được nâng cấp như camera hay chip xử lý đều khiến cả những người khắt khe nhất cũng không có gì để phàn nàn. Dường như nếu đã không đưa vào thì thôi nhưng một khi đã được gắn mác Apple thì mặc định rằng sản phẩm, tính năng ấy là xuất sắc.
Điều này khiến niềm tin của người sử dụng đặt vào Apple càng ngày càng lớn và là 1 phần tạo nên "Văn hóa fan cuồng" của Táo Khuyết.
Kết
Những gì tôi nêu ở trên chỉ là 1 phần rất nhỏ trong những bí quyết đã tạo nên 1 Apple như ngày hôm nay. Đằng sau sự thành công ấy còn vô số những tư duy, chiến lược mà trong khuôn khổ 1 bài viết chúng ta không thể kể ra hết. Và như đã nói ở trên, xin nhường lại những gì còn chưa được nhắc tới cho độc giả. Hãy comment và cho chúng tôi biết bạn nghĩ còn những điều gì đã dẫn tới thành công của Apple?
Nguồn:http://genk.vn/c187n2012010410013143/bi-mat-dang-sau-su-thanh-cong-cua-apple.chn