Đã hơn một năm kể từ ngày game online lâm vào tình cảnh khó khăn, giờ mọi chuyện đã bắt đầu khởi sắc lại, dù cho một cơ chế chính thức vẫn chưa xuất hiện. Nhưng dù cho tình hình khả quan hơn chút, thì mọi thứ vẫn chưa sáng sủa gì lắm, và có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa thì thị trường mới trở lại bình thường như trước.
Giữa lúc game trong nước đang lừng chừng thì các NPH game (kiêm NSX) đã tiến những bước chập chững đầu tiên trong việc làm game và sau đó là xuất khẩu game ra các nước khác. Đây có thể xem là một tiến bộ đáng mừng của game online Việt trên bước đường đi lên chuyên nghiệp hóa, nói cách khác, giờ không còn là lúc chúng ta giống "ếch ngồi đáy giếng" nhìn thế giới nữa.
Mang game đi đánh xứ người
Cái chuyện đem game đi phát hành ở nước ngoài đã được biết đến từ khá lâu. Mỗi kì Chinajoy hay G-Stars đều có một vài sản phẩm của Việt Nam xuất hiện, nhưng sau đó vẫn bặt vô âm tín. VTC khởi đầu sau đó bằng việc mang Đột Kích, Audition qua Campuchia. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là game của nước ngoài mà thôi.
Sau khi game online bị xiết chặt quản lý, nhiều NPH ngay lập tức bắt tay vào ráo riết làm game, đó là lúc mà rất nhiều sản phẩm lần lượt được “bắn tin” để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm đó đều không thật sự có chất lượng ngon lành. Bởi thế, một vài game sau khi ra mắt trong năm nay đã chịu sự ghẻ lạnh của các game thủ nước nhà.
SQUAD là cái tên được chú ý nhất và cũng hứa hẹn sẽ làm nên chuyện tại nước nhà. Tuy nhiên, dù đã qua rất nhiều lần test, nhưng game vẫn chưa hẹn ngày ra mắt. Thay vào đó, game lại được “ớm trước”là sẽ phát hành tại… Indonesia và Trung Đông.
Thế nhưng, SQUAD thì mới chỉ “dạm hỏi trước”, chứ chưa rõ lộ trình của việc “xuất ngoại”, còn VNG thì không nói không rằng, đã mang 2 game của mình xuất ngay sang xứ mặt trời mọc. Đây đều là các game thuộc dạng “nông trại”.
Đầu tiên, “Ủn ỉn”, game online “chăn nuôi heo” trên mạng xã hội được DeNA cho ra mắt tại thị trường Nhật Bản, ngay sau đó thì “Khu vườn trên mây”, một game mạng xã hội khác cũng được xuất khẩu thành công qua Nhật thông qua dịch vụ Yahoo! Mobage. Có thể nói, đây là một bước đi thật sự thành công không chỉ của VNG mà còn của cả nền công nghiệp giải trí điện tử của Việt Nam, đúng như ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc VNG đã chia sẻ: “Việc phần mềm game của Việt Nam có thể xuất khẩu sang một thị trường lớn như Nhật Bản là thành quả đáng ghi nhận của các nhà phát triển trò chơi Việt”.
Game Việt đã thật sự xuất sắc?
Có thể nói, việc mang được game do chính người Việt làm ra các thị trường nước ngoài kinh doanh, nhất là các thị trường lớn là một thành công không hề nhỏ. Đó sẽ là bước tạo đà cho các sản phẩm sau này.
Tuy nhiên, đó chưa hẳn là câu khẳng định cho việc thương hiệu game Việt đã thực sự mạnh mẽ. Mới chỉ là 1, 2 game, và điều đó chưa thể nói lên được điều gì. Để có thể tiến lên chuyên nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ game, sẽ cần ít nhất là 5 năm nữa để khẳng định.
“Ủn ỉn” và “Khu vườn trên mây” dù cho đã đánh dấu được bước tiến đầu tiên, thì chúng cũng chỉ là các game dạng Flash, thiết kế dễ, không tốn quá nhiều công sức như các game online chính thống. Thêm nữa, game thủ Nhật vốn rất yêu thích những game có hình ảnh dễ thương, vui nhộn, nên thành công của “Ủn ỉn” và “Khu vườn trên mây” cũng dễ hiểu.
Nói như vậy không phải để “dìm hàng” 2 game trên. Không phủ nhận VNG có đội ngủ phát triển game rất giàu ý tưởng. Nhưng để làm được những game thật sự “lớn” thì họ sẽ cần nhiều hơn thế chứ không chỉ đơn giản là ý tưởng.
Còn với SQUAD, game này có sự đầu tư rất tốt, có chiều sâu (chỉ xét trên bình diện các game thuần Việt), nhưng thật đáng tiếc là lộ trình ra mắt game vẫn chưa sáng tỏ. Có lẽ, vì mang mác game bạo lực nên nó vẫn chưa thể phát hành tại Việt Nam, thế nên tìm đầu ra cho game ở nước ngoài là một bước đi hợp lý.
Thời gian tới?
Có lẽ, tín hiệu khả quan nhất chính là việc VNG đã đặt được nền móng vững chắc trong việc xuất khẩu game qua việc hợp tác với DeNA. Đây chính là cơ sở để 2 doanh nghiệp tiến hành các thương vụ khác trong tương lai.
FPT, VTC cũng có các đối tác tại các cường quốc game online là Hàn Quốc và Trung Quốc, nếu nhờ vào sự giúp đỡ của các đối tác này, việc quảng bá các sản phẩm tự sản xuất sẽ dễ dàng hơn, và tìm kiếm sự tư vấn ở các đối tác này cũng mang lại nhiều kinh nghiệm cho các doanh nghiệp của chúng ta.
Nhưng đó cũng mới là những “cú đánh lẻ” của các doanh nghiệp. Để có một con đường rõ ràng, trước hết phải có chế tài quản lý rõ ràng để các doanh nghiệp theo đó mà làm. Có lẽ đây là việc hoàn toàn được ủng hộ, vì sản xuất game cũng chính là “làm kinh tế”, tăng thêm nguồn thu cho nước nhà.
Sự chủ động là cần thiết trong việc tiến ra thị trường ngoại. Nhưng nếu thiếu đi hỗ trợ, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ trong việc tìm đầu ra. Thiết nghĩ, thời gian tới, ngoài việc cố gắng nâng cao chất lượng các sản phẩm game nội địa, còn cần sự hỗ trợ từ các ban ngành quản lý để các doanh nghiệp sản xuất game không chỉ có đầu ra trong nước, mà còn tiếp bước được các “Ủn ỉn” hay “Khu vườn trên mây” tiến ra thế giới.