Tiêu đề: Hãng game nào thành công nhất Việt Nam năm 2011?
Thị trường game online Việt 2011 mặc dù có đỡ hơn so với năm 2010, nhưng đây vẫn là mảnh đất tương đối khó nhằn với bất cứ doanh nghiệp nào đang có ý định kinh doanh trò chơi trực tuyến. Thống kê mới đây của Niko Partners cho rằng Việt Nam đang là thị trường game có thu nhập lớn nhất trong khu vực ĐNÁ, thế nhưng nó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi.
Chỉ vài NPH có thể nở nụ cười sau khi năm 2011 trôi qua.
Cụ thể, trong số hàng chục NPH nội địa hiện nay, có lẽ chỉ vài cái tên là có thể nở nụ cười sau khi năm 2011 trôi qua, còn lại phần lớn đều tiếc nuối hoặc không hoàn thành chỉ tiêu so với thời kì MMO còn hoạt động thoải mái. Hãy cùng điểm lại tình hình làm ăn của một số ứng viên nổi trội trong danh sách này.
Nhóm tứ trụ
Được nhắc đến trên nhiều diễn đàn dưới dạng "bất thành văn", VNG - FPT Online - VTC Game và Asiasoft luôn xuất hiện trong mắt game thủ như 4 NPH lớn nhất Việt Nam kể từ khi game online du nhập đến nay. Và dù thị trường đã có nhiều biến đổi nhưng có lẽ 4 vị trí này khó lòng thay đổi đối với tín đồ thế giới ảo nước nhà.
Gunny trở thành game hút tiền nhất của VNG.
Trước tiên là VNG, năm 2011 là năm duy nhất từ trước đến nay mà họ không phát hành được bất cứ MMO cài đặt nào. MMORPG gần nhất được VNG ra mắt chính thức là Tinh Võ hồi giữa năm ngoái, đây chắc chắn là một điều đáng buồn và không tương xứng với vị thế NPH lớn nhất miền Nam.
Không có được game mới với chất lượng cao, webgame như Võ Lâm Chi Mộng còn chưa gây tiếng vang, nhưng cũng khó nói rằng VNG thất bại trong năm 2011. Hiện tại theo thống kê chưa chính thức thì Gunny, Kiếm Thế vẫn là 2 MMO đem về tiền tỷ liên tục cho NPH này (thậm chí hiếm ai biết rằng doanh thu Gunny đã vượt mặt cả Kiếm Thế).
Điểm nhấn rõ ràng nhất của VNG là phát hành thành công 2 game MXH (Ủn ỉn và Khu vườn trên mây) sang Nhật Bản, đồng thời bộ phận sản xuất game cho hệ thống Zing hoạt động cũng hiệu quả. Nói chung, 360 ngày qua có thể tạm chấp chận với họ.
TLBB của FPT nổi lên thành MMORPG ăn khách nhất Việt Nam.
Tiếp đến là FPT Online, cũng giống như VNG họ không phát hành được MMO cài đặt nào trong năm qua. Thế nhưng đó chỉ là xét trên khía cạnh chính thức, còn theo nhiều đồn đại, cả Loong Online và Dragonica đều thuộc quyền sở hữu của NPH này. Đây rõ ràng là 2 game tương đối thành công với lượng người chơi lớn, đặc biệt là Loong.
Năm 2011 cũng là năm mà FPT liên tục hợp tác phát hành nhiều MMO với các đơn vị khác, đơn cử như gần đây nhất là Ngạo Kiếm (hợp tác với xGo). Trong khi đó, Thiên Long Bát Bộ nổi lên như một sản phẩm kiếm hiệp đứng đầu về doanh thu cũng như cộng đồng tại Việt Nam (chiếm ngôi Kiếm Thế), đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận và cho thấy FPT đang trưởng thành dần sau nhiều năm đi sau VNG về khoản nhập vai.
Thất bại của FPT gần đây nhất có lẽ là webgame Tank Online và Pet Kute, cả hai đều không thể hút khách như kỳ vọng. Tuy vậy hãng vẫn là ứng viên nặng ký cho chức danh NPH thành công nhất năm.
VTC Game thành công khi đưa được FFOL 2 lên eSport.
Không được thành công như FPT Online, VTC Gametrong năm 2011 gần như chưa phát hành MMO nào hút khách mạnh. Hai dự án lớn của hãng là Pockie Ninja và Audition 2 ra mắt gần đây tuy khá đình đám nhưng rõ ràng đều không để lại ấn tượng mạnh, có thể là do chúng còn quá non trẻ. Một dự án khác là Tank Ranger thất bại thảm hại vì không chống nổi nạn hack, dis.
Các game thuần Việt do VTC Studio thai nghén dù gây chú ý mạnh nhưng lại không thể phát hành chính thức mà mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, trong đó đáng tiếc nhất có lẽ là SQUAD. Bù lại, doanh thu của Đột Kích và một số MMO khác như FFOL 2 vẫn rất cao và xếp hàng top Việt Nam lúc này.
Điểm nhấn quan trọng của NPH miền Bắc này là việc "lobby" thành công để FFOL 2 trở thành bộ môn thể thao điện tử chính thống. Thế nhưng vấn đề kiện tướng bộ môn này có được vào thẳng Đại học hay không thì còn là dấu hỏi mở.
Âu Lạc Online trở thành trò cười của Asiasoft.
Thất vọng nhất trong "tứ trụ" có lẽ là Asiasoft, thậm chí năm 2011 này họ bết bát đến nỗi nhiều lúc game thủ đã đòi "gạch tên" ra khỏi nhóm 4 NPH lớn nhất. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì trong suốt gần 12 tháng gần đây hãng này không phát hành được MMO nào ra hồn, dự án Âu Lạc Online thì đình chỉ vô thời hạn.
Tia sáng lé loi mà Asiasoft VN tạo được có lẽ là việc quyết định phát hành lại Hiệp Khách Giang Hồ, đồng thời mở thành công cổng Dzogame để hợp tác với cổng PlayFPS của công ty mẹ. Nhưng chừng đó vẫn chẳng thế khỏa lấp được tình hình ảm đạm mà các MMO còn lại của họ đang phải hứng chịu.
Nhóm bình thường
Không được đầu tư tốt như 4 NPH kể trên, nhưng năm 2011 vẫn có một số doanh nghiệp "lăm le" nhảy lên nhóm tứ trụ. Nổi bật nhất trong nhóm "bình thường" này có lẽ là SGame - Ông vua thể loại webgame thời gian gần đây.
SGame quá thành công với TQTK.
Khởi đầu thành công lớn với Đắc Kỷ, sau đó có đôi chút thất vọng với Đại Gia và Thần Tiên Vui Vẻ, nhưng SGame đã nhanh chóng lấy lại vị thế của mình khi ra mắt Tam Quốc Truyền Kỳ. Đây chắc chắn là webgame ăn khách nhất Việt Nam 12 tháng qua, không ai phủ nhận được rằng cộng đồng của nó quá lớn và mang về tiền tấn cho NPH.
Đi sau SGame là một loạt các công ty như Tamtay, Saigontel, NetGame... điểm chung của họ là một năm 2011 làm ăn dừng lại ở mức cầm chừng (ngoại trừ Tamtay hoạt động khá mạnh trong mảng webgame). Trên thực tế thì nhiều năm qua họ đều luôn bị xếp ở chiếu dưới chứ chưa bao giờ vươn lên được thành thế lực mạnh tại Việt Nam.
Thần Bài - Thất bại điển hình của năm 2011.
Cái tên khá đáng chú ý khác trong nhóm này là xGo, tuy mới chân ướt chân ráo gia nhập thị trường MMO nhưng hãng này đã tung ra được đến 4, 5 game mới. Có điều tất cả đều thất bại, điển hình nhất là Thần Bài (trở thành MMO thất vọng nhất năm) hay Tiên Kiếm, Cửu Đỉnh. Vớt vát lại cho họ có lẽ là Ngạo Kiếm mà thôi.
2 NPH mới toanh khác là WinGame và Todagame thậm chí còn thất bại hơn nữa. Nếu như WinGame không còn mặn mà gì với đứa con Nhất Kiếm thì Todagame lại dính scandal "xóa bỏ" server Thiên Hạ mà không có sự đồng ý của gamer. Nói chung, năm 2011 không phải là năm tốt để các hãng game non trẻ đặt kỳ vọng.
Các NPH nhỏ vẫn chưa hoạt động suôn sẻ.
NPH nào thành công nhất?
Đọc xong các thống kê sơ lược trên, có lẽ mỗi người đều chọn được ra cho mình một NPH thành công trong năm 2011. Thế nhưng trên thực tế những những kết quả trong một năm mà thị trường quá khó khăn như lúc này vẫn không phản ánh đúng thực lực của các doanh nghiệp, đơn giản vì nhiều dự án lớn dù đã mua về và Việt hóa xong nhưng "đắp chiếu nằm chờ".
Hy vọng sang năm 2012, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều cuộc bứt phá ngoạn mục hơn nữa.