Có lẽ chẳng ai trên đời này dám khẳng định rằng mình không sợ thứ gì, kể cả người bạo dạn đến đâu chăng nữa. Bên cạnh những nỗi sợ cố hữu mang tính chất bẩm sinh, rất nhiều trường hợp chúng tới từ ngoại cảnh. Đối với game thủ Việt cũng vậy, thực tế thị trường trò chơi nước nhà đã khiến họ mang trong mình nhiều mối lo đặc biệt.
Sợ game mới về nước
Nỗi sợ này nghe qua có vẻ bất thường, thế nhưng nó bắt đầu nảy sinh kể từ khi có quá nhiều webgame cập bến Việt Nam. Nhiều đến nỗi không ít game thủ cảm thấy ngấy đến tận cổ hoặc cứ thấy tin game mới về nước là lại thấy nản không muốn tìm hiểu thêm.
Game mới về Việt Nam giờ rất khó tạo tiếng vang.
Rõ ràng, cách đây khoảng 2, 3 năm các tin game mới sắp phát hành đều thu hút được lượng lớn người quan tâm, bàn tán trên diễn đàn, thế nhưng sang năm 2012 thì mọi chuyện bi đát hơn nhiều. Thậm chí có những game mới mà NPH phải cố tình PR theo kiểu "độc", tạo account câu khách trên forum nhưng vẫn không ăn thua.
Có lẽ trên thế giới này chỉ có game thủ Việt mới phải sợ một điều vô lý đến thế.
Sợ game online bị coi như ma túy
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cách đây chừng 1 năm khi phong trào tẩy chay game online lên đến cao trào, nhiều ý kiến từng ví MMO với ma túy và game thủ hầu hết đều là những kẻ nghiện ngập, học hành sút kém... Thậm chí người gay gắt còn cho rằng chính sự du nhập của trò chơi trực tuyến đã làm "băng hoại" cả một thế hệ trẻ Việt Nam.
Rất nhiều vụ việc bạo lực như giết người, đâm chém thường xuyên được liên hệ với game online, điều này tạo nên một bóng ma ám ảnh thị trường MMO nước nhà. Các NPH nơm nớp sợ sệt mỗi khi có thủ phạm nào đó thú nhận rằng mình học cách gây án từ game, còn game thủ thì chỉ biết cười trong đau khổ.
Game thủ Việt thường bị ví với những hình ảnh như thế này.
Dần dần, nỗi sợ game online bị đổ tội đã biến thành trào lưu mang tính trào phúng trên các diễn đàn. Nói một cách cụ thể thì gamer Việt hay thốt ra câu nói: "Chắc nó chơi game ấy mà" khi đọc được một vụ án nào đó.
Trên thực tế, đúng là có những vụ việc tiêu cực mà nguồn gốc xuất phát từ nghiện game online, thế nhưng trào lưu bài xích nó khiến người ta cố tình vơ cả những câu chuyện chẳng liên quan gì (thậm chí cả những bệnh nhân... loạn dục cũng cho là vì chơi game online) để gây chú ý cho cộng đồng. Đứng trước sự thật ấy thì game thủ không sợ mới là lạ!
Có lẽ trên thế giới này chỉ có game thủ Việt mới phải sợ một điều vô lý đến thế.
Sợ thừa nhận quốc tịch Việt Nam
Nghe qua có vẻ lạ lùng, nhưng điều đáng đau xót là không ít game thủ nước nhà khi ra server nước ngoài chơi đều sợ không dám thừa nhận quốc tịch. Lý do rất đơn giản, nếu biết bạn là người Việt thì nguy cơ không được vào guild, không được party hoặc bị dè bỉu, khinh bỉ là chuyện dễ xảy ra.
Tất cả cũng chỉ vì ý thức của người chơi Việt quá kém, họ sẵn sàng mang đủ mọi trò gian lận hoặc chửi tục, spam kênh chat ra server ngoại mà không biết rằng cộng đồng tại đó rất khó chịu (trái với Việt Nam, chuyện hack, spam chat diễn ra như cơm bữa mà chẳng làm sao). Chẳng thế mà đã từng có chuyện gamer SA Bắc Mỹ đòi tẩy chay gamer Việt ra khỏi máy chủ của họ.
Bị xua đuổi tại server nước ngoài đã trở thành chuyện quen thuộc.
"Mình cảm thấy rất nhục nhã khi vừa nhận mình là người Việt thì bị đuổi khỏi guild", không ít game thủ kể lại trong nỗi xấu hổ cùng cực. "Danh tiếng" của dân cày nước nhà dần dần tạo nên sự ngại ngùng, không ai dám tự vỗ ngực nhận quốc tịch thật khi chơi ở server nước ngoài nữa.
Có lẽ trên thế giới này chỉ có game thủ Việt mới phải sợ một điều vô lý đến thế.
Sợ NPH bỗng nhiên tổ chức event hấp dẫn
Cũng như 2 nỗi sợ bên trên, chuyện "sợ NPH đột nhiên tổ chức sự kiện sau một thời gian dài bỏ quên" chỉ có tại thị trường game Việt Nam. Tất cả chỉ vì đã có quá nhiều lần dân cày bị "lừa" cống tiền mà không biết rằng trò chơi sắp đóng cửa, NPH cố "hốt cú chót".
Diễn biến của chiêu bài trên rất dễ nhận ra, một MMO bị lãng quên tới gần nửa năm trời không có mống event nào, cộng đồng chơi cũng vắng vẻ và khi tất cả sắp hết hy vọng thì "đột nhiên" BQT tốt bụng lạ thường, họ hứa sẽ vực dậy game và tổ chức kiểu sự kiện nạp thẻ nhận quà với cả đống phần thưởng quý giá. Ngay sau khi người chơi dốc sạch hầu bao thì một thông báo xuất hiện trên trang chủ: "Chúng tôi rất tiếc nhưng do hết hạn hợp đồng nên đành đóng cửa game".
Sợ hơn là mừng mỗi khi thấy những event như thế này.
Dĩ nhiên, game thủ không phải là kẻ thiểu năng, vì thế sau vài lần bị lừa họ bắt đầu cảnh giác hơn. Không ít người cảm thấy sợ hơn là vui khi NPH đột nhiên quan tâm đến khách hàng một cách lạ thường, thậm chí có ý kiến còn cho rằng thà game cứ ảm đạm còn hơn là nổi lên chốc lát rồi vĩnh biệt mãi mãi.
Có lẽ trên thế giới này chỉ có game thủ Việt mới phải sợ một điều vô lý đến thế.
Sợ các chiến dịch chống hack
Chống hack thì tốt chứ sao phải sợ? Chắc hẳn bạn đang nghĩ như vậy, thế nhưng sự thật lại trớ trêu khi rất nhiều game thủ phải ngậm đắng nuốt cay sau mỗi chiến dịch diệt hacker của một số NPH game Việt. Nguyên do rất đơn giản, sau mỗi chiến dịch như thế, hacker chẳng thấy hết mà hàng loạt tài khoản trong sạch bị khóa.
Điều trên chẳng hiếm khi xảy ra, thông thường phần lớn những nỗ lực nhằm giảm thiểu gian lận trên thị trường game nước nhà từ trước đến nay đều thất bại thảm hại. BQT hay chọn cách "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", khóa bất kỳ account nào có dấu hiệu hack mà không cần kiểm tra kỹ càng (hoặc không thể vì kỹ thuật có hạn).
"Hacker chẳng thấy hết, chỉ thấy khóa nhầm".
"Hacker thì cứ nhơn nhơn, trong khi người chơi lành mạnh thì mất account trị giá cả chục triệu đồng", rất nhiều lần tín đồ ảo Việt phải thốt lên câu này. Dần dà họ thấy sợ mỗi khi NPH quyết tâm chống hack, có ý kiến còn cho rằng nếu đã bất lực thì cứ bất lực cho xong, cố khắc phục chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Có lẽ trên thế giới này chỉ có game thủ Việt mới phải sợ một điều vô lý đến thế.