Bây giờ là năm 2012, như vậy là tôi đã chơi game được hơn 12 năm. Đôi khi thật thú vị khi nhìn lại quá trình chơi game, hay những game mình từng chơi. Có một điều lạ là mặc dù vẫn yêu game như cái thuở đầu tiên, nhưng càng ngày chơi càng ít, và càng ngày càng thích game cũ hơn. Đôi khi tôi tự hỏi vì sao, và lại tự trả lời, tự cắt nghĩa cho những thứ như vậy.
Không như nhiều người, tôi không coi game chỉ đơn thuần là giải trí. Và rõ ràng, có nhiều thứ hơn là giải trí trong game mà người ta cố tình phủ nhận do mang tư tưởng kì thị, hay chỉ đơn giản là không đủ khả năng nhận ra những thứ đó.
Tôi cũng đọc nhiều sách, xem không ít film, ngày nào cũng nghe nhạc, thậm chí chơi nhạc, không dám tự nhận là một kẻ có học thức cao nhưng đủ khả năng để cảm nhận được điều hay, cái đẹp, và sống chưa lâu nhưng cũng đủ để nhận ra cái tốt cái dở. Đưa cảm nhận vào game, đôi khi bạn sẽ "cảm" được giá trị của chúng, nhất là khi đúng thời điểm.
Tại sao lại là đúng thời điểm? Bởi con người lớn lên trải qua một quá trình dài học tập, thu nhận những điều mới mẻ, vậy nên có những giá trị mà chỉ khi đến đúng tuổi hoặc đủ kiến thức mới nhận ra, mới trân trọng. Game cũng vậy.
Game là sản phẩm trí tuệ của hàng chục con người, mà phần lớn trong số họ đều có tuổi đời, kinh nghiệm sống, vốn văn hóa hơn những người trẻ, như tôi hay như bạn chẳng hạn. Bởi vậy có rất nhiều điều họ - những nhà làm game - muốn truyền tải mà nếu như bạn - một người chơi game – không đủ kiến thức để nhận ra, thì có nghĩa là bạn đang lãng phí cái tâm của nhà làm game đấy.
Tôi đang chơi Metal Gear Solid 2: Sons of liberty, lần thứ mấy thì không nhớ nữa. Game rất cũ, đồ họa so sánh với các game thời điểm này thì “một trời một vực” nhưng đối với tôi, nó vẫn hay. Lần đầu tiên chơi là khi còn mê game theo cái kiểu gặp gì chơi nấy, chơi bỏ qua thoại, nhanh nhanh chóng chóng vào nhiệm vụ để đi bắn nhau. Những lần sau chịu khó đọc hơn, nghe hơn nhưng chưa thể hiểu hết những gì các nhân vật nói.
Sau vài năm, tự dưng mấy hôm nay có hứng lại lôi ra chơi lại, và thật ngạc nhiên khi lần này tôi có thể hiểu hết, hay đúng hơn là tự cắt nghĩa dựa trên kiến thức của bản thân. Đó, quả thật là một điều kì diệu. Và khi hiểu rồi, niềm kính phục của tôi dành cho Hideo Kojima, cha đẻ của dòng game này, lại càng lớn hơn.
Những ý nghĩa về cuộc đời của một chiến binh, của chiến tranh và hòa bình, của tình đồng đội, những triết lý về tồn tại được đưa vào thật tài tình, thực sự khiến người chơi phải cảm động.
[center]
[/center]
“Find something to believe in, and find it for yourself. When you do, pass it on to the future.” – Solid Snake (Hãy tìm kiếm điều gì đó để tin tưởng, và tìm nó cho chính bản thân mình. Khi làm được rồi, thì hãy truyền lại cho tương lai).
Một câu nói đơn giản, ý nghĩa trực tiếp, nhưng nếu mới 16 tuổi, vẫn còn được gia đình ôm ấp, liệu có thể thực sự hiểu được câu nói đó? Đối với tôi thì không. Phải đến tận bây giờ, khi tự mình bươn chải cuộc sống, khi phải tự lực trên đôi chân của mình, khi đã bắt đầu biết những điều được mất, tôi mới hiểu được phần nào.
Chơi game cũng như học vậy. Có nhiều điều thú vị hơn ta tưởng khi ta suy ngẫm kĩ càng, và game cũ thì lại còn có nhiều giá trị hơn nữa, nhất là khi đã từng chơi qua rồi lại chơi lại. Giống như việc nhìn album ảnh của bản thân từ tấm bé đến khi lớn, rồi chợt nhận ra bản thân đã thay đổi, đã lớn lên như thế nào.
Legacy of Kain, một cái tên cũ kĩ khác mà tôi đã từng chơi. Lấy đề tài ma cà rồng, Legacy of Kain đậm chất “bạo lực” mà nhiều người hiện nay sẽ phải lắc đầu lè lưỡi khi nhìn vào, nhưng nếu hiểu, thì đó là một câu chuyện đầy những bi kịch, bi kịch của sự đố kị, bi kịch của sự sống còn, bi kịch của những ngã rẽ định mệnh và kể cả là bi kịch của chính sự hi vọng.
Liệu ta có đánh đổi lấy sự sống của bản thân cho một điều gì đó vĩ đại hơn, quan trọng hơn? Liệu ta có vượt qua được cám dỗ đầy ám ảnh của quyền lực? Đó là những câu hỏi rất khó trả lời, và đôi khi nhìn vào những nhân vật trong game lựa chọn, ta lại nhận ra nhiều điều bổ ích cho cuộc sống bản thân.
Trong thời điểm hiện nay, khó mà bắt gặp những câu chuyện sâu sắc như vậy nữa. Áp lực của nhà phát hành, những khó khăn về tài chính, thiếu thốn về nhân lực khiến các nhà phát triển game không còn có nhiều “đất diễn” cho bản thân. Họ thiếu đi sự đầu tư cho nội dung, thay vào đó là những cải tiến chỉ nhằm vào đồ họa, họ ít còn quan tâm tới những người chơi game theo một cách sâu sắc mà tập trung hơn cho lứa game thủ muốn “ăn liền”.
[center]
[/center]
Không hẳn tất cả đều như vậy, nhưng đôi khi chơi game bây giờ ta không bắt gặp được thứ khiến chúng ta phải suy nghĩ trăn trở, chỉ giống như nước đổ lá khoai ào cái là hết, chơi xong là tắt máy đi ngủ. Những câu thoại dẫn dắt trong game giờ đây đôi khi đơn giản đến mức đáng buồn. Và người chơi thì cũng ngại đọc hơn, ngại những thứ mà họ coi là quá phức tạp.
Đến đây, có thể có ai đó hỏi tôi rằng: Chơi game mà lại không để ý đến gameplay hay sao? Tôi cũng xin trả lời luôn: rất may mắn những game đã có nội dung hay thường đi kèm với một gameplay thú vị, ít nhất đấy là kinh nghiệm của cá nhân tôi sau khi chơi một lượng game không nhỏ. Và đặc biệt, đôi khi gameplay của những game cũ còn hấp dẫn hơn nhiều so với các game hiện nay.
[center]
[/center]
Ví dụ như nếu đã từng chơi Baldur’s Gate, bạn sẽ thấy việc kết hợp phép thuật, việc sử dụng các class đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn nhiều so với Dragon Age: Origins, mặc dù cùng một hãng phát triển, tất nhiên, phần thưởng cũng xứng đáng hơn sau mỗi lần chinh phục thử thách.
Mỗi người có một cách chơi game, mỗi người có một cách thưởng game rất khác nhau, nhưng đối với tôi, game hay cũng giống như rượu vậy, đôi khi phải ngâm lâu, phải qua một thời gian dài uống mới ngon. Và điều quan trọng nữa là, “rượu” ngon như vậy nhưng giá lại rất rẻ, quả thật là một vốn bốn lời. Nếu bạn cũng như tôi, yêu thích thứ "rượu" ngon-bổ-rẻ này, thì chúng ta sẽ sớm có cơ hội gặp lại nhau trong loạt bài viết tới với chủ đề giới thiệu những "game cũ mà hay".